Kiến trúc Đài Tưởng niệm Liệt sĩ: Từ "mẫu chuẩn" đến những sáng tạo độc đáo!
SỰ HÌNH THÀNH "MẪU CHUẨN"
Cuối năm 1950, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp (1910-1982) được cấp trên giao thiết kế quy hoạch - kiến trúc khu họp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), xây dựng trong khu rừng già tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Hàng chục công trình gồm hội trường, nhà làm việc, nhà nghỉ, câu lạc bộ, nhà ăn, sân vườn… và đặc biệt có một thể lọại công trình mới khiến kiến trúc sư dành nhiều thời gian suy nghĩ và đưa ra nhiều phác thảo để lựa chọn, đó là Đài Tưởng niệm. Công trình không lớn, nhưng có tính chất đặc biệt nên đựơc các đồng chí lãnh đạo quan tâm, góp ý để chọn phương án có ý nghĩa nhất. Phương án được chọn để xây dựng mô phỏng ngôi nhà tranh ba gian với bốn cột, chínhgiữa
là tấm bia mang dòng chữ “Tưởng nhớ các đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc vì Chủ nghĩa Cộng sản”, đặt trên bệ tam cấp, bên dưới là lư hương với lọ hoa hai bên, trên có hàng chữ “Đại hội đại biểu lần thứ II”(ảnh1). Tuy công trình giản dị nhưng đạt được tính trang nghiêm, giống như ngôi đền thờ, gần gũi với tình cảm nhân dân ta. Ngày 11-2-1951, trước giờ khai mạc Đại hội, Hồ Chủ tịch và các đại biểu về dự Đại hội đã đến thắp nén nhang tưởng nhớ đến vong linh các liệt sĩ.
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh (1908-1975) đượcgiao thiết kế Lễ đài Ba Đình để phục vụ cuộc mít tinh khổng lồ, ngày 1-1-1955, nhân dân đón Bác Hồ, Đảng và Chính phủ về Thủ đô. Một công trình rất quan trọng gắn liền với ngày lễ trọng đại là Đài “Tổ quốc ghi công” xây dựng ở Quảng trường Ba Đình. Kiến trúc sư đã đưa ra ý tưởng mới về hình khối đài, đó là một khối hình trụ cao vút, kết thúc bằng mái truyền thống, ở giữa nền cờ Tổ quốc nổi bật hai hàng chữ “ Tổ quốc ghi công”, với một lư hương đặt ở trên mặt bệ, dưới là nơi đặt vòng hoa. Tạo nên không gian cảm thụ và tầm nhìn rộng, trang nghiêm, thiêng liêng của nơi thờ phụng, hương khói. Tuy là công trình xây tạm bằng gỗ nhưng đã đạt yêu cầu về hoành tráng, nền nã, mang đậm sắc thái dân tộc, dễ gần gũi với tình cảm của nhân dân. Mấy năm sau kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thiết kế Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội bằng vật liệu kiên cố. Ông giữ nguyên dáng vẻ của hình khối Đài tưởng niệm ở Ba Đình đã đi vào lòng người, song trau chuốt hơn, mái lượn cong gần gũi với kiến trúc cổ hơn và đường nét hình khối tỷ lệ hơn, tạo nên một không gian phong phú, đep, có hồn. Đài Tổ quốc ghi công Mai Dịch được coi là mẫu đạt nội dung và hình thức nhất, được quần chúng yêu thích nhất nên được áp dụng đại trà suốt mấy chục năm.
NHỮNG THỂ NGHIỆM THÀNH CÔNG
Hình ảnh hàng nghìn các Đài Tổ quốc ghi công được xây dựng từ tỉnh, huyện đến xã giống nhau về kiểu dáng đã làm đơn điệu hoá loại hình kiến trúc này. Nhiêù kiến trúc sư muốn tìm một loại hình mới khác thay thế, song cũng không phải dễ dàng thuyết phục một tiềm thức đã ăn sâu vào nhân dân. Khởi đầu, vào giữa thập niên 80, kiến trúc sư Trịnh Kim Như đã khởi xướng dáng hình kiến trúc đài theo một hướng khác, Đài Tổ quốc ghi công tỉnh Thuận Hải ông thiết kế theo hình tượng một mái nhà rông quen thuộc của địa phương. Sau khi xây xong đã chứng minh là thể loại công trình này cũng rất hợp với những kiểu dáng mới, có hình khối đa dạng, nếu khéo gắn kết với điêu khắc thì hiệu quả nghệ thuật còn có giá trị cao hơn. Cũng từ đó nhiều công trình Đài tưởng niệm đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiến trúc và điêu khắc, tạo nên những không gian thoáng đãng, mở rộng tối đa khu vực cảm thụ. Đến gần chiêm ngưỡng những bức tượng như có hồn, sống động mà sâu lắng về nội tâm.
Từ đầu thập niên 90, các kiến trúc sư Lê Hiệp, Phạm Sỹ Chức, Vũ Đại Hải, Nguyễn Khởi nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng… đã dựa trên cơ sở văn hoá và đặc thù riêng của từng địa phương phác thảo nhiều Đài tưởng niệm khác nhau như hình Cây đa Tân Trào ở Tuyên Quang, hai bàn tay ôm lấy ngôi sao năm cánh ở Ninh Thuận... kiến trúc sư Lê Hiệp đã thành công trong việc tạo hình khối âm- dương, giữa mảng đặc và rỗng, giữa còn và mất, dân tộc và hiện đại, đạt độ sâu lắng về nội tâm trong công trình Đài Tưởng niệm Bắc Sơn - Hà Nội.
Uống nước nhớ nguồn, nhân dân ta đang ngày đêm tạo nên nơi yên ngủ vĩnh hằng của các liệt sĩ ngày thêm ấm áp tình đồng chí, tình người.
Chú thích ảnh:
.Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Bắc Sơn (HN) - Một sáng tạo thành công của KTS Lê Hiệp.
.Đài Tưởng niệm tại Tuyên Quang năm 1951 của KTS Hoàng Như Tiếp.
.Đài Tổ quốc ghi công tại Quảng trường Ba đình năm 1955 của KTS Nguyễn Văn Ninh.
KTS ĐOÀN ĐỨC THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét