Tìm kiếm

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Nghệ thuật công cộng tại TP Melbourne, Australiaustralia

Thế nào là nghệ thuật công cộng: Theo từ điển wikipedia, thuật ngữ “nghệ thuật công cộng” – “public art” dùng để chỉ các tác phẩm nghệ thuật (bằng mọi chất liệu và kỹ thuật chế tác) được sáng tạo ra với sự quan tâm đặc biệt đến vị trí và nơi chốn mà tác phẩm được đặt hoặc được trình diễn trong không gian công cộng, thường là bên ngoài nhà và mọi người dân đều có thể tiếp cận.
Nghệ thuật đường phố tại
TP. Melbourne – Australia
Thuật ngữ này có ý nghĩa trong giới nghệ thuật, giữa các nhà quản lý nghệ thuật, các cơ quan quản lý địa phương và những người làm ra các tác phẩm nghệ thuật công cộng, nó biểu tả một công vịêc thực tiễn liên quan đến đặc trưng về mặt địa điểm, sự tham gia cộng tác của cộng đồng.

Có thể thấy rằng, nghệ thuật công công cộng là một yếu tố không thể thiếu trong thiết kế đô thị. Nếu hiểu theo Camora “Thiết kế đô thị (TKĐT) là qui trình tạo lập những nơi chốn cho con người có chất lượng tốt hơn những gì có thể được tạo ra nếu không có hoạt động này” thì nghệ thuật công cộng chính là một trong số những công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống xét cả trên quan điểm thẩm mỹ và sử dụng.
Nằm ở vùng duyên hải phía Nam châu úc, là một trong 2 thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước úc với dân số 3,85 triệu người và diện tích 7694km2 (gấp 8.5 lần diện tích thành phố Hà Nội). Melbourne được mệnh danh là thành phố đa văn hóa, đa sắc tộc với trên 140 dân tộc đang sinh sống ở đây và gần 60 ngôn ngữ được sử dụng.

Thành phố Melbourne được mệnh danh là thành phố vườn bởi một mạng lưới cây xanh mặt nước, công viên, quảng trường bao phủ một màu xanh tươi trẻ lên toàn thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống không gian mở của các tuyến phố cũng chiếm một diện tích không nhỏ.Từ năm 1986 chính quyền thành phố (City of Melbourne) đã đề ra chiến lược phát triển thành phố (City Development Strategy) trong đó tập trung vào lĩnh vực thiết kế đô thị, đầu tư phát triển không gian công cộng và nâng cao chất lượng không gian công cộng với các tiêu chí như tạo bản sắc, hồn nơi chốn-“sense of place” trong sự đa dạng văn hóa, phát huy tính kế thừa, tính nối tiếp trong sự vận động thay đổi không ngừng của cuộc sống…

Có thể nói, Melbourne là thành phố của những xúc cảm và sự sáng tạo. Bởi vậy, chính quyền thành phố cùng với cộng đồng đã hết lòng trong việc tạo lập một môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghệ thuật có thể phát triển mạnh mẽ. Chính các không gian công cộng của Melbourne đã đem đến một môi trường năng động và đặc trưng cho việc thể hiện bản sắc và nét độc đáo về văn hóa của thành phố.
Melbourne được thế giới biết đến với chương trình đầu tư phát triển nghệ thuật công cộng (Public Art Program) do chính quyền thành phố phát động, quan tâm đến từ không gian nhỏ tại các góc phố của khu vực CBD, cho đến các trung tâm trưng bày triển lãm hoặc các không gian mở tại các công viên, quảng trường. Chương trình này tập trung phát triển cả các tác phẩm nghệ thuật đương đại, đồng thời khuyến khích các nghệ sĩ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cũng như góp phần định hình môi trường tự nhiên và môi trường sống hiện hữu.

Hiện nay, bộ sưu tập các tác phẩm NTCC của Melbourne bao gồm 2000 tác phẩm điêu khắc, đài kỷ niệm, đài phun nước, vòi uống nước tại các khu vực công cộng trong thành phố. Tại khu vực CBD, do các đường phố chính có độ rộng và độ dài như nhau nên mỗi góc phố, tuyến phố đều được các nhà TKĐT lưu ý tạo nét đặc trưng và rất dễ nhận biết thông qua những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Mỗi tuyến phố chính đều có một dự án phát triển NTCC dọc theo tuyến đi bộ như “Swanston street art work prorgram”hay “ Burke street artwork program”… Đây là một trong số các chương trình chỉnh trang cảnh quan tuyến phố do chính quyền thành phố khởi xướng. Có thể kể đến một số tác phẩm NTCC hết sức độc đáo và tạo nên những ấn tượng đặc sắc cho khách du lịch và người dân thành phố như tác phẩm “ Ba thương gia mua đồ ăn trưa – Batman, Swanston và Hoddle” tại góc phố Swanston và Bourke, tác phẩm “ Dòng thời gian” hay tác phẩm “ Mảnh vỡ của công trình” gắn liền với các trục đi bộ tại khu vực trung tâm.

Ba bức tượng đặt đúng tại bến đỗ tàu điện như là điểm mốc cho khách bộ hành nếu lần đầu tiên được đến khu trung tâm này, quên đi cảm giác chờ đợi mỗi chuyến tàu đến. Tác phẩm nghệ thuật được người dân Melbourne rất yêu mến và ngưỡng mộ.

Tác phẩm “Dòng thời gian” được chính quyền thành phố triển khai trong dự án dành cho phát triển NTCC. Cũng vẫn mang những nét đặc trưng trong các tác phẩm của Akigawa, tác phẩm này đem đến một cảm nhận về tính hoành tráng trong tỷ lệ và nghệ thuật chiếu sáng. Tác phẩm cao trên 20 mét là tổ hợp của các hình khối hình học theo phương đứng và ngang. Các sợi cáp quang được bố trí trong lớp xi măng, kết hợp với hệ thống chiếu sáng vào ban đêm làm cho công trình rất lung linh, kỳ ảo. Các hình khối tượng trưng cho thiên nhiên vĩ đại, cây cối, núi non, đại dương, ngọn lửa – sự hồi sinh và sự luân chuyển đầy sức sống mãnh liệt.
Nằm bên ngoài thư viện bang Victoria, tác phẩm điêu khắc hình kim tự tháp bằng đá xanh đem đến từ Port Fairy dường như là một mảnh vỡ của thư viện lộ ra từ trong lòng đất sau một cuộc khai quật. Tác phẩm muốn chuyển tải một ý niệm về sự gắn kết giữa công trình kiến trúc và môi trường xung quanh, cả về màu sắc và chất liệu. Sự gắn kết giữa con người, công trình và đất mẹ - nơi chứa đựng trong lòng bao nhiêu bí ẩn của lịch sử. Hàng ngày, mỗi khi đi qua tác phẩm, người dân như được gợi lại những cảm xúc về lịch sử, về sự suy tàn và hồi sinh. Các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên kiến trúc rất yêu thích tác phẩm nghệ thuật này. Cùng với thư viện liên bang, tác phẩm Architectural Fragment có vai trò là điểm nhấn thị giác trong khu vực trung tâm thành phố, nơi thu hút đông đảo khách du lịch và người dân đến tham quan.

Ngoài hàng trăm tác phẩm NTCC được tạo tác dọc các tuyến phố chính trong khu trung tâm, các loại hình nghệ thuật công cộng khác như sân khấu đường phố, các lễ hội đường phố cũng được chính quyền thành phố rất quan tâm khuyến khích. Vào tháng 3 hàng năm, chính quyền thành phố thường tổ chức lễ hội Moomba với những màn trình diễn đặc sắc của các dân tộc khác nhau hiện nay đang sinh sống tại thành phố nhằm mục đích quảng bá nét hấp dẫn của một thành phố đa văn hóa đồng thời khuyến khích được các hoạt động cộng đồng và gắn kết các cộng đồng trong môi trường văn hóa. Đường phố trở thành sân khấu lung linh, tràn ngập màu sắc đem đến những ấn tượng không bao giờ quên cho những ai lần đầu tiên đặt chân đến thành phố xinh đẹp này. Dọc các tuyến đi bộ, vào các ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, các hoạt động nghệ thuật công cộng của cá nhân cũng được chính quyền thành phố rất ủng hộ như vẽ tranh phấn tại vỉa hè góc các con phố, biểu diễn ca nhạc dân tộc hay múa lửa dọc tuyến đi bộ bờ Nam sông Yarra.

“Melbourne là thành phố mà người dân hàng ngày được ngắm nhìn, được hít thở và đắm mình trong một môi trường nghệ thuật…” là tiêu chí được đề ra trong bài phát biểu của thị trưởng thành phố về việc nâng cao chất lượng sống nơi đây. Có thể nhận thấy rất rõ từ ví dụ của thành phố Melbourne, để có được những không gian công cộng với chất lượng cao về mặt thẩm mỹ, chức năng sử dụng và đặc trưng văn hóa, cần có sự phối kết chặt chẽ giữa chính phủ, các nhà đầu tư và cộng đồng. Chính phủ đề xuất các chiến lược, chính sách và chương trình hành động cụ thể nhằm củng cố và phát triển các khu vực công cộng xét trên khía cạnh TKĐT. Các nhà đầu tư, bên cạnh lợi ích kinh tế của các dự án đầu tư phải quan tâm và có những cam kết về mặt tài chính trong việc đầu tư phát triển cho khu vực công cộng. cụ thể ở đây là các chương trình phát triển NTCC. Cộng đồng tham gia tích cực trong việc đề xuất ý tưởng và thực hiện việc cải tạo, nâng cao chất lượng không gian công cộng bởi chính họ là người sử dụng và thụ hưởng những không gian văn hóa vật thể này. Đối với các tác phẩm NTCC, nhận thức và thái độ của cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc khôi phục, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà các tác phẩm đem đến. Thái độ trân trọng của cộng đồng và chính quyền trước các tác phẩm NTCC đã là động lực lớn đối với các nghệ sĩ và các nhà thiết kế đô thị trong cố gắng đem lại một môi trường sống tốt đẹp nhất cho con người.


Tài liệu tham khảo:
1. Jack M. và Jerry A., Putting the Public in Public Art, Seattle, US
2. Camora M., Public places, urban spaces – The dimensions of Urban Design, Architectural Press, 2003
3. City of Melbourne- Art and Culture – Public arts

Ảnh trong bài:
Một số hình ảnh về nghệ thuật đường phố tại TP. Melbourne – Australia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét